Lãnh đạo Tân Kỳ kiểm tra và chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 4
Sáng ngày 17/8, các đồng chí lãnh đạo UBND huyện Tân Kỳ đã trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo các địa phương bị ngập do ảnh hưởng cơn bão số 4, khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, do ảnh hưởng cơn bão số 4, tại địa bàn huyện Tân Kỳ có lượng mưa lớn. Đặc biệt vào sáng nay do mưa lớn cộng với nước đổ từ thượng nguồn về gây lũ ống làm nước tràn ngập 1 số đoạn đường giao thông, hàng trăm hộ dân ở 7 xóm của xã Tân Phú và 1 số hộ dân ở xã Nghĩa Thái, xã Nghĩa Hoàn, xã Tân Hợp. Nước đổ về nhanh vào lúc 7 giờ sáng nên các hộ dân đã chủ động di dời tài sản và người đến nơi an toàn.
Nước đổ từ thượng nguồn về làm nhiều nhà dân ở xã vùng cao Tân Hợp bị ngập.
140 ha lúa bị ngập sâu trong nước.
Nước Sông Con tiếp tục dâng làm ngập nhiều diện tích hoa màu
Hiện nay nước Sông Con tiếp tục dâng cao, làm ngập lụt nhiều diện tích hoa màu, tính đến 15 giờ cùng ngày đã có khoảng 150 ha lúa, 520 ha mía bị ngập; 48 ha keo bị đỗ gãy, làm tràn 20 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, nước cuốn trôi 650 con gia súc, gia cầm. Mưa bão đã làm 380 m tường rào bị đỗ, 3 cầu tràn bị sạt lở, 4 cột điện nghiêng đỗ.
Đ.c Hoàng Quốc Việt- Chủ tịch UBND huyện động viên người dân vùng ngập lũ.
Đ.c Nguyễn Văn Hoa- Phó chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ chỉ đạo các hộ dân xã Tân Phú di dời tài sản đến nơi an toàn.
Trước tình trạng đó, các đồng chí lãnh đạo UBND huyện Tân Kỳ đã chỉ đạo cán bộ, nhân dân các xã ngay khi nước rút, dọn dẹp nhà cửa ổn định cuộc sống. Tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết và mực nước tại các hồ đập để chủ động phòng tránh, đồng thời tổ chức khơi thông mương thoát nước để nước rút nhanh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, hoa màu. Huy động lực lượng túc trực 24/24h và làm biển cấm qua lại tại các cầu tràn nước dâng cao. Tổ chức lực lượng kiểm tra hệ thống hồ đập để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Tuyên truyền bà con tuyệt đối không đi lại qua các hồ đập, sông suối khi mực nước đang dâng cao, không tự ý chèo thuyền ra khe suối, sông để đánh bắt cá, lấy củi./.
(Nguồn: Cẩm Tú- Đài Tân Kỳ)